Mục răng là tình trạng tổn thương nghiêm trọng ở răng, thường là hậu quả của sâu răng không được điều trị kịp thời. Răng bị mục không chỉ gây đau đớn, khó chịu mà còn ảnh hưởng lớn đến chức năng ăn nhai, thẩm mỹ và sức khỏe toàn thân. Vậy mục răng là gì? Nguyên nhân do đâu? Có điều trị được không? Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau.
I. Mục răng là gì?
Là giai đoạn cuối của bệnh sâu răng, khi mô cứng của răng (men răng, ngà răng) bị vi khuẩn phá huỷ hoàn toàn. Răng trở nên yếu, giòn, lộ tủy hoặc thậm chí gãy vỡ chỉ còn lại chân răng. Nếu không được điều trị kịp thời, răng mục có thể gây ra nhiễm trùng lan rộng, viêm xương hàm và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Ở giai đoạn mục răng, tình trạng viêm nhiễm thường đã lan tới tủy răng và mô quanh răng, khiến răng đau nhức kéo dài, hơi thở có mùi, thậm chí có mủ và tụ mủ dưới chân răng.
II. Nguyên nhân gây ra mục răng
Mục răng hình thành do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:
1. Sâu răng lâu ngày không điều trị:
Sâu răng là vấn đề răng miệng phổ biến hiện nay và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mục răng. Ở giai đoạn cuối của sâu răng lâu năm, tủy bị nhiễm trùng nặng dẫn đến chết tuỷ. Lúc này, bệnh nhân cảm thấy không còn cảm thấy đau nhức, răng xuất hiện đốm đen lan rộng và phá huỷ hoàn toàn cấu trúc thân răng.
2. Cao răng tích tụ:
Cao răng là một lớp mảng bám chứa đầy vi khuẩn bám chặt vào thân răng và dưới nướu. Vi khuẩn trong cao răng tích tụ nhiều sẽ tấn công và phá hủy lớp men răng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mòn chân răng khiến răng yếu đi.
3. Vệ sinh răng miệng kém:
Những thói quen không lành mạnh trong cuộc sống hàng ngày có thể là nguyên nhân dẫn đến mục răng. Vệ sinh răng miệng kém tạo điều kiện cho vi khuẩn trong miệng phát triển và hình thành mảng bám gây mòn men răng. Ngoài ra, đánh răng quá mạnh cũng làm tăng tốc độ mài mòn chân răng, răng yếu. Từ đó dẫn đến tình trạng mục răng.
4. Thói quen ăn uống không lành mạnh:
Chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu khoa học cũng là nguyên nhân khiến răng bị mục. Đặc biệt, thói quen ăn đồ ngọt hay đồ cứng khiến men răng dễ bị vỡ. Hoặc chế độ ăn uống nhiều thực phẩm có tính axit cao như nước có ga, cam, chanh,… gây mòn men răng.
III. Dấu hiệu nhận biết:
Răng bị mục không khó để nhận biết nếu bạn để ý các dấu hiệu sau:
-
Răng đau nhức kéo dài đặc biệt là khi ăn đồ ngọt, nóng, lạnh.
-
Cảm giác ê buốt.
-
Hôi miệng dù đã vệ sinh kỹ, do vi khuẩn gây thối rữa mô răng.
-
Có lỗ trên răng màu đen hoặc nâu, có thể lớn dần theo thời gian.
-
Răng giòn, dễ vỡ.
-
Nướu sưng đỏ, có mủ: Khi vi khuẩn lan xuống chân răng, gây viêm tủy, áp xe.
-
Răng lung lay hoặc rụng.
Nếu bạn thấy một hay nhiều dấu hiệu trên, hãy đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
IV. Điều trị như thế nào?
Tùy vào mức độ tổn thương của răng, nha sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là các hướng xử lý phổ biến:
1. Trám răng:
Áp dụng khi răng mới bị mục nhẹ, chưa vào tủy. Nha sĩ làm sạch mô răng bị mục rồi trám kín bằng vật liệu chuyên dụng như composite hoặc amalgam.
2. Điều trị tủy:
Nếu vi khuẩn đã vào đến tủy răng, bác sĩ sẽ lấy sạch tủy viêm, vệ sinh ống tủy và trám bít lại. Sau đó có thể trám hoặc bọc sứ tùy vào mức độ mất mô răng.
3. Bọc răng sứ:
Khi răng bị vỡ nhiều, yếu cấu trúc, bác sĩ sẽ mài cùi và chụp mão sứ để bảo vệ răng còn lại. Bọc sứ cũng giúp phục hồi hình dáng, màu sắc và chức năng ăn nhai của răng.
4. Nhổ răng và trồng lại:
Trường hợp răng mục quá nặng, không thể phục hồi, buộc phải nhổ bỏ. Sau đó bác sĩ sẽ tư vấn phương án phục hình bằng:
-
Cầu răng sứ: Phù hợp nếu mất 1 – 2 răng, nhưng cần mài răng kế cận.
-
Cấy ghép Implant: Cắm trụ titanium thay thế chân răng đã mất, độ bền cao, không ảnh hưởng răng khác.