Tụt nướu, lộ chân răng, viêm nha chu,… là những tình trạng không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng. Một trong những giải pháp khắc phục hiệu quả được các chuyên gia nha khoa chỉ định hiện nay là phẫu thuật ghép nướu. Vậy phẫu thuật ghép nướu là gì, có nên thực hiện không, và cần lưu ý những gì?
I. Phẫu thuật ghép nướu là gì?
Phẫu thuật ghép nướu (hay còn gọi là cấy ghép mô nướu) là thủ thuật tạo hình phần mô mềm quanh chân răng. Bác sĩ sẽ sử dụng mô nướu tự thân (thường là từ vòm miệng) hoặc mô nướu nhân tạo để đắp vào khu vực bị tụt nướu, từ đó giúp bảo vệ chân răng, hạn chế viêm nhiễm và cải thiện vẻ ngoài của nụ cười.
Kỹ thuật ghép nướu đặc biệt hữu ích với những trường hợp mất răng lâu năm, tụt nướu nghiêm trọng hoặc chuẩn bị cấy ghép Implant nhưng không đủ mô nướu che phủ.
II. Khi nào cần phẫu thuật ghép nướu?
Phẫu thuật ghép nướu được chỉ định trong những trường hợp sau:
1. Tụt nướu hở chân răng:
Đây là tình trạng phổ biến khi phần nướu tụt xuống, làm lộ phần chân răng ra ngoài. Nguyên nhân có thể do:
-
Vệ sinh răng miệng sai cách (chải răng quá mạnh).
-
Viêm nha chu kéo dài.
-
Lão hóa tự nhiên.
-
Do bẩm sinh.
Tụt nướu không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn khiến răng trở nên ê buốt, dễ bị sâu và lung lay.
2. Lộ chân răng gây ê buốt:
Khi chân răng không còn được nướu bảo vệ, cảm giác ê buốt xuất hiện rõ rệt, nhất là khi ăn uống thực phẩm nóng/lạnh. Ghép nướu sẽ giúp che phủ chân răng, hạn chế ê buốt, tăng cường bảo vệ.
3. Nướu bị viêm, tiêu mô nướu:
Các bệnh lý như viêm nướu, viêm nha chu lâu ngày sẽ làm mô nướu bị tiêu biến. Ghép nướu giúp phục hồi mô đã mất, ngăn ngừa biến chứng và bảo tồn răng thật.
4. Cải thiện thẩm mỹ vùng răng trước:
Trường hợp nụ cười lộ nhiều chân răng hoặc hình dáng nướu không đều, ghép nướu giúp điều chỉnh hình thể nướu, tạo dáng nướu đều đẹp, hài hòa với thân răng.
5. Hỗ trợ cấy ghép Implant:
Đối với bệnh nhân chuẩn bị trồng răng Implant nhưng mô nướu quá mỏng hoặc diện tích không đủ bao quanh trụ Implant, bác sĩ sẽ chỉ định ghép nướu trước để tăng độ bền vững và đảm bảo thẩm mỹ.
III. Các phương pháp ghép nướu phổ biến hiện nay:
1. Ghép mô liên kết dưới biểu mô:
Là phương pháp phổ biến nhất, mô nướu được lấy từ dưới lớp biểu mô vùng vòm miệng rồi ghép vào vị trí cần điều trị. Ưu điểm:
-
Tăng độ dày nướu.
-
Tái tạo tốt về mặt sinh học.
-
Hạn chế nguy cơ lộ chân răng trở lại.
2. Ghép nướu tự do: Toàn bộ mô nướu (bao gồm biểu mô và mô liên kết) được lấy từ vùng vòm miệng. Phương pháp này ít được sử dụng do vết thương lớn hơn và thời gian lành kéo dài hơn.
3. Ghép nướu cuốn vạt: Bác sĩ sử dụng phần nướu kế cận vị trí tụt nướu để kéo bao phủ chân răng. Đây là phương pháp không cần lấy mô từ vị trí khác, hạn chế đau đớn.
IV. Chăm sóc sau phẫu thuật ghép nướu răng:
Sau khi thực hiện phẫu thuật cấy ghép nướu, khách hành cần chăm sóc răng miệng chu đáo, cẩn thận để có được hiệu quả điều trị cao nhất:
1. Vệ sinh răng miệng đúng cách:
-
Không chải răng, dùng chỉ nha khoa tại vùng ghép trong 10 – 14 ngày.
-
Dùng nước súc miệng kháng khuẩn theo chỉ định.
-
Tránh tác động mạnh vào vùng phẫu thuật.
2. Ăn uống hợp lý:
-
Ăn thực phẩm mềm như cháo, súp, mì, sữa.
-
Tránh thức ăn quá nóng, quá cứng hoặc cay nóng.
-
Không hút thuốc, uống rượu bia trong thời gian hồi phục.
3. Dùng thuốc theo đơn:
-
Uống thuốc kháng sinh, giảm đau đúng liều và đủ ngày.
-
Không tự ý dùng thêm bất kỳ loại thuốc nào khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
4. Nghỉ ngơi, tái khám đúng lịch:
-
Tránh vận động mạnh trong 2 – 3 ngày đầu.
-
Ngủ đủ giấc, không thức khuya.
-
Tái khám theo lịch hẹn để theo dõi quá trình lành thương.