Nhược thị, hay còn gọi là “lác mắt” trong dân gian. Đây là một vấn đề về mắt thường gặp, đặc biệt là ở trẻ em. Đây là tình trạng mà một mắt không thể nhìn rõ như mắt còn lại, dẫn đến sự mất cân bằng trong khả năng nhìn của hai mắt. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhược thị có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực và chất lượng cuộc sống. Vậy nhược thị là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách nhận biết tình trạng này như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
I. Nhược thị là gì?
Là tình trạng mà một mắt có thị lực yếu hơn hoặc không thể phát triển đầy đủ dù không có bất kỳ tổn thương rõ ràng nào về cấu trúc mắt. Tình trạng này xảy ra khi mắt không được sử dụng đúng cách trong giai đoạn phát triển của trẻ. Nó thường xuất hiện trong độ tuổi dưới 6-7 tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhược thị có thể dẫn đến giảm thị lực vĩnh viễn .
Khả năng thị lực của mắt nhược thị không được phát triển đầy đủ do mắt không hoạt động đồng đều với mắt còn lại. Điều này có thể do các yếu tố như mắt lé, tật khúc xạ không được điều chỉnh (cận thị, viễn thị, loạn thị) hoặc các yếu tố khác.
II. Nguyên nhân gây ra nhược thị:
1. Mắt lé (Strabismus):
Mắt lé là tình trạng mà hai mắt không thể nhìn vào cùng một điểm. Điều này khiến một mắt phải điều chỉnh làm việc quá mức, mắt còn lại không thể tập trung được. Nếu tình trạng này kéo dài mà không được điều trị, mắt không thể phát triển thị lực bình thường và dẫn đến nhược thị.
2. Tật khúc xạ không được điều chỉnh:
Cận thị, viễn thị, loạn thị là những tật khúc xạ phổ biến có thể gây nhược thị. Khi tật khúc xạ chưa được điều trị bằng kính hoặc phẫu thuật, mắt sẽ phải cố gắng tập trung trong suốt thời gian dài, dẫn đến sự suy yếu của thị lực.
3. Chênh lệch về độ khúc xạ giữa hai mắt:
Trong trường hợp một mắt có độ khúc xạ cao hơn mắt còn lại (ví dụ: một mắt cận thị nặng, mắt kia chỉ cận thị nhẹ), mắt có độ khúc xạ thấp hơn sẽ hoạt động nhiều hơn và phát triển thị lực tốt hơn, trong khi mắt có độ khúc xạ cao sẽ bị “bỏ qua” và không phát triển được thị lực bình thường.
4. Tổn thương hoặc bệnh lý mắt:
Một số bệnh lý như đục thủy tinh thể, viêm nhiễm mắt hoặc bệnh lý về thần kinh thị giác có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của mắt, dẫn đến nhược thị. Những tình trạng này cần được phát hiện và điều trị sớm để ngăn ngừa tổn thương lâu dài.
5. Điều kiện sinh lý và di truyền:
Có những yếu tố sinh lý hoặc di truyền có thể góp phần gây ra nhược thị. Trẻ em có cha mẹ bị tật khúc xạ nặng, hoặc có tiền sử gia đình mắc các vấn đề về mắt như mắt lé hoặc các bệnh lý về mắt, có thể có nguy cơ cao mắc phải nhược thị.
III. Triệu chứng của nhược thị:
Nhược thị thường không dễ nhận biết vì mắt nhược thị có thể nhìn thấy được một cách bình thường nếu chỉ quan sát bằng mắt thường. Tuy nhiên, có một số triệu chứng cần lưu ý để nhận diện tình trạng này:
1. Mắt lé hoặc lệch:
Một trong những triệu chứng rõ rệt của nhược thị là mắt lé. Đây là triệu chứng một mắt không thể nhìn thẳng như mắt còn lại. Mắt có thể bị lệch về một bên, lên trên hoặc xuống dưới, làm cho hai mắt không hoạt động đồng thời.
2. Mắt yếu khi nhìn gần hoặc nhìn xa:
Khi một mắt bị nhược thị, khả năng nhìn gần hoặc nhìn xa có thể kém hơn so với mắt còn lại. Trẻ em hoặc người lớn bị nhược thị có thể gặp khó khăn khi đọc sách, xem tivi, hoặc thực hiện các hoạt động đòi hỏi sự tập trung vào một điểm.
3. Đau đầu và mỏi mắt:
Khi mắt không thể nhìn đồng đều, cơ mắt phải làm việc nhiều hơn để bù đắp cho mắt yếu. Điều này có thể dẫn đến tình trạng đau đầu, mỏi mắt, hoặc cảm giác căng thẳng mắt đặc biệt khi thực hiện các công việc kéo dài như đọc sách hoặc nhìn vào màn hình điện thoại, máy tính.
4. Mất khả năng nhìn sâu:
Nhược thị có thể làm giảm khả năng nhìn sâu và nhận diện chiều sâu. Khi mắt không hoạt động đồng thời, người bị nhược thị có thể gặp khó khăn trong việc nhận thức chiều sâu của các vật thể. Dẫn đến việc gặp khó khăn khi lái xe hoặc tham gia các hoạt động thể thao.
5. Trẻ em không có biểu hiện rõ ràng:
Ở trẻ em, nhược thị không có dấu hiệu rõ ràng vì chúng không thể tự nhận thức được. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh có thể nhận thấy trẻ có dấu hiệu thường xuyên dụi mắt, nhắm một mắt khi xem tivi hoặc nhìn vào các vật thể xa, hoặc có xu hướng nghiêng đầu khi nhìn vào một vật nào đó.
IV. Cách nhận biết:
Để nhận biết, các bậc phụ huynh và người lớn có thể quan sát một số biểu hiện sau. Hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa mắt để có kết luận chính xác:
- Quan sát sự hoạt động của hai mắt, xem có tình trạng mắt lệch hoặc không đồng đều không.
- Kiểm tra khả năng nhìn của từng mắt. Ta kiểm tra bằng cách che một mắt và quan sát xem mắt còn lại có thể nhìn rõ không.
- Đưa trẻ đi kiểm tra thị lực thường xuyên để phát hiện sớm các bệnh lý về mắt.
- Nếu có triệu chứng đau đầu, mỏi mắt hoặc cảm giác mờ mắt, cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa mắt.
V. Cách điều trị:
Nhược thị có thể điều trị hiệu quả nếu phát hiện và can thiệp kịp thời. Việc điều trị nhược thị thường phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể và mức độ nghiêm trọng của tình trạng mắt. Một trong những phương pháp điều trị phổ biến là đeo kính. Nếu do tật khúc xạ chưa được điều chỉnh, đeo kính có thể giúp cải thiện khả năng nhìn và phát triển thị lực bình thường cho mắt nhược thị.
Trong trường hợp mắt lé là nguyên nhân thì ta phải lựa chọn các phương pháp phù hợp khác. Các phương pháp như dùng miếng dán mắt, tập luyện mắt,… có thể giúp cải thiện tình trạng này. Miếng dán mắt được dán lên mắt khỏe để mắt yếu phải làm việc nhiều hơn, từ đó phát triển thị lực bình thường.
Nếu tình trạng mắt lé hoặc các vấn đề về cấu trúc mắt nghiêm trọng, phẫu thuật có thể là giải pháp hiệu quả để điều chỉnh mắt và phục hồi thị lực. Một số bài tập mắt cũng có thể giúp cải thiện sự phối hợp giữa hai mắt, giúp mắt nhược thị phát triển đồng đều với mắt còn lại.
Ngoài ra, nếu nhược thị là do các bệnh lý mắt như đục thủy tinh thể hoặc viêm nhiễm mắt, việc điều trị các bệnh lý này là rất quan trọng để giúp phục hồi thị lực và cải thiện tình trạng nhược thị.